Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

// // Leave a Comment

Võ thuật


            Võ thuật là kỹ thuật hay phương thức dùng sức mạnh (nội lực, ngoại lực) để chiến thắng đối phương. Với tư cách là một nghệ thuật vận động sản sinh ra trong đấu tranh giữa con người với thiên nhiên (các loài thú dữ), con người với kẻ thù bên ngoài (địch thủ), và con người với kẻ thù bên trong chính bản thân anh ta (bệnh tật), võ thuật hướng đến mục tiêu đem lại cho con người sự chiến thắng trong các cuộc chiến, rèn luyện sức khỏe, và phục vụ một số nhu cầu cần thiết tùy thuộc vào từng bộ môn.
http://image.tin247.com/vietnamnet/080926141232-679-169.jpg
Trải theo thời gian, võ thuật hiện đại không còn nhấn mạnh vai trò chiến đấu và chiến thắng bằng mọi giá như trước, mà đã chú trọng hơn nhiều đến các mục tiêu khác như để rèn luyện sức khỏe, thực thi quyền tự vệ chính đáng khi hữu dụng. Một số môn phái được đưa ra thi đấu như những môn thể thao biểu diễn hoặc đối kháng với những điều luật khắt khe nghiêm cấm sử dụng các đòn đánh hiểm, độc.

Những khái niệm gần gũi

Tuy có thể đồng nhất "Võ" và "Võ thuật", nhưng thực ra hai khái niệm ít nhiều vẫn có ranh giới. "Võ", nói chung, chỉ lối đánh nhau bằng tay không hay binh khí, và đôi khi, nhằm chỉ một bộ môn đối lập với "văn"; còn "võ thuật" lại thiên về nghệ thuật vận động hơn. Theo đó võ thuật đề cao phương pháp, cách thức, sự khéo léo, kỹ thuật, nghĩa là sự phát huy toàn diện sức mạnh của con người để chiến thắng mọi địch thủ mà không chỉ là những đối thủ trực diện trên sàn đấu. Bên cạnh các thuật ngữ trên còn có thuật ngữ "Võ nghệ", vừa có nội hàm rất gần với thuật ngữ võ thuật, vừa mang ý nghĩa nghề nghiệp, khẳng định võ cũng là một nghề trong xã hội, nghề võ. Cũng không thể không nhắc đến một khái niệm thường được các võ đường và các võ sư đề cao, thuật ngữ "Võ đạo", nhấn mạnh tính nhân văn, văn hóa trong võ thuật, khẳng định tột đỉnh của võ là văn, đằng sau võ học là cội nguồn triết học, hạt nhân đạo đức và chiều sâu tôn giáo, đồng thời đưa sự khốc liệt có tính bản chất của võ, một công cụ để tàn sát, xuống hàng thứ yếu.

Trong đời sống xã hội còn tồn tại khái niệm võ học, đối lập với khái niệm võ biền. Võ học là khái niệm được dùng rất hạn chế trong đời sống võ thuật tại Việt Nam hiện nay. Võ học chưa được xem là một ngành học chính thống trong ngành giáo dục & đào tạo. Võ học là sự nghiên cứu, phân tích, hệ thống hóa... tất cả mọi mặt của đời sống võ thuật dưới ánh sáng của các chuyên ngành khoa học (tự nhiên & xã hội) khác như vật lý học, giải phẫu học, sinh lý, sinh hóa, sinh cơ, tâm lý học, y học TDTT.... Hầu hết các bài viết hoặc sách, báo về võ thuật hiện nay tại Việt Nam của các võ sư hoặc HLV danh tiếng đều ít khi đề cập đến thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực này. Do đó, đời sống võ thuật Việt Nam còn khá xa lạ với các thuật ngữ, khái niệm hoặc công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về võ thuật (có lẽ có nguyên nhân sâu xa từ trình độ nhận thức, lý luận & nguyên cứu của giới võ thuật hiện nay). Những người học võ thuật có suy nghĩ :TỰ VỆ cho bản thân mình , những vị võ sư nổi tiếng cũng có thể sử dụng môn võ mà mình được học vào lãnh vực kinh doanh : Điện ảnh , dạy học

Các môn công phu

Hệ thống công phu võ thuật hợp thành "tứ đại công phu", gồm Nội công, Ngoại công, Nhuyễn công và Ngạnh công, trong đó Nhuyễn Ngạnh công phu tuy có khi được xếp vào hệ thống Ngoại công, nhưng vẫn thường thấy sự khu biệt của nó do những điểm đặc thù:

Nội công

Là những phương thức luyện tập bằng cách sự tập trung tối đa tâm ý khí lực theo những phương thức đặc biệt nhằm phát huy các năng lực bí ẩn của con người, khi luyện thành thì có thể dùng tĩnh chế động. Nội công bao gồm các phương thức luyện tập:

* Luyện tập tĩnh: Là phương pháp luyện tập bằng cách các hành giả ngồi yên lặng trong không khí tĩnh mịch và thả lỏng thể xác cũng như tâm hồn để luyện tập, như Nội công thiếu lâm tự
* Luyện tập động: Là phương pháp các hành giả chuyển động theo các bài tập nhằm tập trung tinh thần để luyện ý, như Bát đoạn cẩm Thiếu lâm.

Ngoại công

Là các công phu luyện ngoại lực, có thể bao gồm trong nó cả Nhuyễn công và Ngạnh công, với các phương thức luyện tập các chiêu thức tấn công linh hoạt, mạnh mẽ và từng phần cơ thể để phòng thủ hữu hiệu. Khi luyện đại thành thì sức lực di hành khắp chân thân không bị ngăn trở, do đó muốn vận dụng đến sức thì sức có ngay, thân thể cương cường, da thịt gân xương đều cứng chắc, đến đao kiếm cũng khó bề gây thương tích. Ngoại công bao gồm các phương thức tu luyện:

* Luyện tập hình: Là luyện tập các kỹ năng có hình dáng cụ thể, như Bát quái Quyền.
* Luyện tập ý: Là luyện sao cho đúng ý của các bài luyện, ví dụ như Triệt quyền đạo, Thái cực Quyền.
* Luyện tập pháp thể: Là luyện thể lực và thể hình, như Đấu vật, Su mô.

Nhuyễn công

Là các công phu chuyên luyện lực âm, nhu lực, âm công, khi luyện đại thành thì bề ngoài cơ thể không có biểu hiện gì của người biết võ (như tay chân không sần sùi, cơ thể không cường tráng), nhưng lực đánh ra rất nguy hiểm (nên nhiều khi được gọi là độc thủ). Tương truyền, một số công phu như Nhất chỉ thiền công (luyện phóng một ngón tay), Quan âm chưởng (luyện cạnh tay), Tỉnh quyền công (luyện quyền bằng cách đấm tay xuống giếng) có thể đả thương người từ xa, Nhu cốt công luyện khớp xương toàn thân mềm dẻo v..v..v

Tương truyền ở Nhật Bản từ xa xưa lưu truyền một môn võ thuật có tên là Bí thuật Nhu công. Người luyện tập nhìn bề ngoài có vẻ rất yếu đuối nhưng khi ra tay thì vô cùng tàn độc, nhất là những đòn đánh Cầm nã thủ lấy mạng người dễ dàng vô cùng. Các chiêu thức tung ra gần như chỉ để có một mục đích là lấy mạng đối phương mà thôi.

Vào đệ nhị thế chiến, môn võ thuật này nghe nói được phổ biến cho các chiến sĩ trong những lực lượng cảm tử và sát thủ, nhưng sau này bị cấm và mất đi tông tích bởi vì quá độc ác mà cho tới nay chưa ai rõ lý do thất truyền, chỉ biết rằng một kẻ luyện tập môn võ này dù có thân thể bệnh hoạn yếu ớt, một khi đã dốc lòng luyện tập đều có thể trở thành cỗ máy giết người.

Ngạnh công

Là các công phu chuyên luyện sức mạnh dương cương, dương lực, dương công, như Thiết sa chưởng (chưởng tay sắt), Thiết tảo trửu (chân quét), Thiết tất cái (đầu gối).Trong đó phải kể tới các môn công phu của Thiếu Lâm rất đặc sắc như : Thập tam thái bảo (thân thể cứng),Thiết bố sam (thân cứng như sắt),Đồng tử công (cũng luyện thân thể)... Khi luyện đại thành thì tay chân người tập chai sần, cứng như sắt, cơ thể tráng kiện, cơ bắp cuồn cuộn. Sức mạnh đòn đánh có được khi đòn tiếp xúc với cơ thể đối phương với uy lực khủng khiếp.


Đỉnh cao võ thuật

Suy cho cùng, cách chia các môn công phu của Võ thuật ra làm nhiều dạng (nội công và ngoại công), với nhiều môn (long, báo, xà, hạc, hổ, hầu, quy, ưng,...), hoặc phân chia ra các trường phái (Thiếu lâm, Võ đang, Côn Luân,...) cũng chỉ là đứng trên cái nhìn khác nhau. Có người chia võ thuật ra làm Võ lâm chánh tông, và Bàng môn tà đạo. Sự khác nhau, âu cũng chỉ là ở hành vi của người dụng võ. Vì mục đích cao cả, võ thuật được sử dụng thì đó là võ công chánh tông. Ngược lại, vì mục đích cá nhân, tư lợi, hành vi bỉ ôi, mà võ thuật được sử dụng thì đó là bàng môn tà đạo. Ranh giới thật là mong manh. Nhiều người suốt đời nghiên cứu võ thuật, những mong tìm được bí kíp võ thuật, những công phu đã thất truyền (kể cả những cách luyện kỳ lạ, dị thường) để đạt đến cái gọi là đỉnh cao võ thuật. Vậy đỉnh cao của võ thuật là ở đâu? Bất kỳ một môn công phu võ học nào, miễn sao có thể sử dụng để chiến thắng địch thủ thì có thể sử dụng. Nhưng đó chỉ là chiến thắng về mặt hình thức mà thôi. Chiến thắng thật sự sẽ nằm trên 2 phương diện: hình thức bên ngoài, và nhân tâm bên trong. Đó là đỉnh cao của giới võ thuật vậy

Võ thuật và các bộ môn hỗ trợ

Hô hấp

Trong võ thuật, hô hấp được chia làm hai loại chính là Nội hô hấp và ngoại hô hấp.

Các phương pháp hô hấp này có trong võ thuật là do Bồ Đề Đạt Ma và các môn đồ Thiếu Lâm, các môn đồ các phái võ Trung Hoa hấp thu từ các phương pháp luyện thở của Yoga và Phép đạo dẫn (luyện thở, luyện hô hấp) của các trường phái Đạo gia để vận dụng chúng huy động nguồn sức mạnh của thân xác và tâm trí đạt hiệu quả cao khi luyện võ công.

Nội hô hấp

Đây là hoạt động của chân khí, là sự tiếp thu dưỡng khí, các chất bổ đưa đến từng tế bào và biến chuyển các dạng năng lượng. Hoạt động này bắt đầu từ lúc cơ thể con người chỉ là thai nhi. Nội hô hấp theo thời gian sẽ dần thoái hóa nhường chỗ cho ngoại hô hấp tiến triển.


Ngoại hô hấp

Thể hiện cho hoạt động hô hấp bằng mũi, bắt đầu xuất hiện khi chúng ta ra khỏi bụng mẹ. Ngoại hô hấp dần dần phát triển mạnh mẽ để nuôi dưỡng và cung cấp dưỡng khí cho cơ thể.

Khí


Khí động học

* Dựa trên các quy luật tự nhiên để chuyển động, nguyên tắc chủ yếu là thuận theo quy luật tự nhiên, mọi thứ đều khép kín tuần hoàn lưu chuyển như dòng nước.
* Sử dụng và thể hiện nỗ lực lưu thông khí của cơ thể (như những tiếng hét) để tạo sức mạnh nén khí và giải tỏa khí.

Khí vũ trụ

Con người sống trong vũ trụ sinh hoạt và chuyển động đều có tương quan đến vũ trụ, nếu thuận theo vũ trụ và khí từ vũ trụ thì sẽ lớn mạnh, còn ngược lại sẽ bị hủy hoại. Võ thuật lợi dụng đặc tính này để tạo ra các hình thức luyện tập nhằm nâng cao thể trạng như nội công, khí công, hấp pháp v.v.


Triết học phương Đông với võ thuật

Võ thuật là một bộ môn văn hóa đặc trưng gắn liền với triết học. Các võ sư đã đúc kết bằng câu nói nổi tiếng: "đằng sau võ học là triết học". Các bộ môn võ học phương Đông đều dựa trên nền tảng các nguyên lý triết học:

Âm dương

Âm dương là hai mặt quan hệ đối lập nhưng hỗ trợ nhau, võ thuật lấy bản thân người tấn công và người phòng thủ làm hai mặt này. Để đạt đến mục đích công phá cao nhất thì phải đẩy một mặt đặc tính lên cao nhằm lấn át mặt còn lại.


Ngũ hành

Ngũ hành là quy luật hậu thiên tương ứng với bản chất con người, để nâng cao hiệu quả phải biết nâng cao mặt yếu và trấn áp sự thái quá. Dựa trên ngũ hành các quy luật võ thuật tạo ra sự bổ khuyết cho nhau cũng như sự quấy rối bản chất nhau.

Bát quái

Bát quái như một sự phát triển cao hơn của âm dương, nó thể hiện chu kỳ hoàn chỉnh xoay vần của tạo hóa. Tuân theo bát quái để chuyển động cũng là tạo ra một chu trình sinh hóa của tự nhiên, lúc đó mọi vấn đề còn lại sẽ phụ thuộc vào kẻ điều khiển chứ không bị ảnh hưởng nhiều bởi xung quanh.

Cửu cung

Là một biến thiên của bát quái khi thêm trung cung, tạo ra chỉnh thể tương ứng với quy luật vận hành của con người. Đây là một kiến tạo nhằm đáp ứng cho nhu cầu vận động của một số lượng người nhiều, hầu như ngày nay không còn được ứng dụng mấy (ví dụ như biểu diễn tập thể hàng ngàn người)

Đông y với võ thuật

Luyện tập sơ khai võ thuật thì không cần chú trọng đến bản chất, các phương pháp chữa trị khi biến chứng xẩy ra hoặc phản ứng của cơ thể với quá trình luyện tập. Khi luyện tập những thứ dễ bị lệch lạc hay khó thì các phương pháp thăm dò, theo dõi biến chuyển là một trong những trọng tâm của quá trình luyện tập.

Kinh, mạch, lạc

* Kinh là 12 đường trực hành liên hệ trực tiếp đến tạng phủ. Sự vận hành khí của võ thuật tuân thủ chặt chẽ theo sự chuyển động của các đường kinh.
* Mạch là 8 đường hay còn gọi là bát mạch như tám đại dương để khí từ các kinh đổ vào. Đây là những nơi được chú ý đến nhiều nhất trong võ thuật, hầu hết các hành giả luyện tập đều cố khai thông chúng.
* Lạc gồm 15 đường chạy lẫn trong các kinh âm và dương nối các đường kinh với nhau. Những lạc nhỏ là tôn lạc, phù lạc chạy khắp thân thể. Là phần phải thông qua để đạt đến vòng Đại Chu Thiên hoàn chỉnh.

Huyệt đạo

Huyệt đạo là những điểm có khí tụ lại lớn, thường là những điểm giao nhau của nhiều đường kinh mạch.

* Dựa trên các khái niệm khí huyết lưu chuyển trên võ thuật cho ra đời hai vòng lớn là Tiểu chu thiên và Đại chu thiên.

Huyệt đạo là những điểm nhạy cảm trên thân thể, theo đó người dụng võ có thể tấn công vào các huyệt đạo để gia tăng tính sát thương của đòn thế. Khi bị tấn công vào huyệt đạo, người chịu đòn có thể có những phản ứng rất đặc biệt: đau đớn dữ dội, chấn thương nặng, bất tỉnh, chết. Huyệt đạo trong võ thuật cũng gắn trực tiếp với các phương pháp cứu chữa người bị chấn thương, bệnh tật. Theo các võ sư, cơ thể có 108 huyệt đánh và 108 huyệt chữa trị, lại có 12 huyệt có thể đánh hẹn giờ chết. Các võ sư thường truyền dạy không chỉ phương thức tấn công huyệt đạo mà cả các phương pháp chữa trị bằng huyệt đạo như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu. Tuy nhiên, biết được vị trí huyệt đạo đã khó, biết được cần tác động bằng phương thức nào và độ sâu của đòn đánh đến đâu để đạt được hiệu quả tính cao nhất còn khó hơn. Bởi vậy, điểm huyệt và giải huyệt chưa bao giờ được truyền dạy một cách phổ thông, quảng bá cho tất cả các môn đồ của võ phái, do đó theo thời gian những tinh hoa này không tránh khỏi mai một và thất truyền.


Võ thuật và các bộ môn nghệ thuật

Điện ảnh

Võ thuật và các bộ môn nghệ thuật sân khấu, điện ảnh gắn bó với nhau từ rất lâu, nhưng hầu như chỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của Lý Tiểu Long trong loạt phim quyền cước do anh thủ vai diễn viên chính như Thanh Phong Hiệp, Đường Sơn Đại Huynh, Tinh Võ Môn, Long Tranh Hổ Đấu, Mãnh Long Quá Giang, Tử Vong Du Hí. Sau anh, rất nhiều diễn viên, võ sĩ đã tham gia diễn xuất như Khương Đại Vệ, Địch Long, La Liệt, Vương Vũ, Trần Tinh, Trần Quang Thái, Phó Thanh, ... là những diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông vào những năm đầu thập kỷ 1970, sau này còn có thêm Thành Long (Jackie Chan), Hồng Kim Bảo, Quan Chi Lâm, Hà Gia Kính, Lý Liên Kiệt (Jet Li), Triệu Văn Trác, Chân Tử Đan (còn gọi là Chung Tử Đơn), Phàn Thiếu Hoàng, Ngô Kinh, Chu Nhuận Phát, với loạt phim về Hồng Hi Quan và Phương Thế Ngọc, Nam Thiếu Lâm, Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Nghiêm Vịnh Xuân và Vịnh Xuân Quyền, Hồng Gia Quyền, v.v.

Dòng "phim chưởng" nhiều tập một thời phát triển mạnh mẽ từ những năm cuối của thập kỷ 1960 ở Hồng Kông và các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện đã dần nhường chỗ cho sự xuất hiện của những phim một tập được phương Tây đánh giá cao như phim Anh hùng, Ngọa Hổ Tàng Long, Thập diện mai phục, Kungfu, v.v. Và gần đây nhất là Tony Jaa, một chiến binh Muay Thái xuất sắc, anh đã cho ra series phim OngBak (Truy tìm tượng Phật) và Tom Yung Goong (The Protector), những pha hành động của anh làm bao nhiêu người phải thán phục, nhào lộn và trình diễn võ thuật. Có thể nói anh là lớp trẻ sau này nối tiếp Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt.

Nguồn : wikipedia.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét